Thị trường Việt Nam hiện nay dù nhỏ nhưng lại có khá nhiều giấy phép trong lĩnh vực chứng thực chữ ký số, ngay cả những nước như Hàn Quốc cũng chỉ có khoảng sáu giấy phép chứng thực chữ ký số. Trong thời gian tới, chúng ta sẽ hạn chế cấp phép để tăng cường chất lượng dịch vụ chữ ký số, bảo đảm an toàn tin cậy trong giao dịch điện tử.
Toàn cảnh Hội nghị “Chữ ký số và xác thực điện tử: 5 năm phát triển và triển vọng”.
Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng tại Hội nghị “Chữ ký số và xác thực điện tử: 5 năm phát triển và triển vọng” do Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia tổ chức ngày 19-9, tại Hà Nội.
Hơn 1,1 triệu chứng thư số đang hoạt động
Tại Hội nghị, Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia Lã Hoàng Trung cho biết tính đến hết quý 2, thị trường chữ ký số công cộng có 12 cơ quan chứng thực (CA) công cộng được cấp phép, trong đó có tám CA hoạt động từ năm 2015 và bốn CA cấp phép mới với khoảng hơn 1,1 triệu chứng thư số đang hoạt động, tăng trưởng hơn 20% so với năm 2016.
Bên cạnh đó, Trung tâm cũng thẩm tra và cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cho bốn CA chuyên dùng (bao gồm: Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng TMCP kỹ thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á); cấp giấy chứng nhận bảo đảm an toàn cho một CA chuyên dùng (Ngân hàng TMCP Đông Nam Á).
Tính đến tháng 6-2019, tổng số lượng chứng thư số hoạt động khoảng hơn 1,16 triệu, tăng 54% trong giai đoạn 2015-2019. Trong đó, ba lĩnh vực ứng dụng chữ ký số công cộng bao gồm kê khai và nộp thuế điện tử (hơn 711.000 chứng thư số tính đến tháng 3-2019); kê khai hải quan điện tử (hơn 203.000 chứng thư số tính đến tháng 3-2019); kê khai và nộp BHXH điện tử (hơn 323.000 chứng thư số tính đến tháng 3-2019).
Còn với ứng dụng chữ ký số chuyên dùng trong Chính phủ, tính đến 31-3-2019, tổng số lượng chứng thư số hoạt động là hơn 144.000 của hơn 90 bộ, ngành và địa phương.
Hạn chế cấp phép để tăng cường chất lượng dịch vụ chữ ký số
Như vậy, sau 5 năm phát triển, chữ ký số và xác thực điện tử đã đạt tỷ lệ tăng trưởng khá cao. Tại Hội nghị, các đại biểu và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chữ ký số và xác thực điện tử đã đưa ra nhiều giải pháp cho giai đoạn phát triển tiếp theo.
Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cho rằng, các quy định pháp lý liên quan đến giao dịch điện tử đã tồn tại nhiều năm, không theo kịp sự phát triển vượt bậc của thị trường nên đã xuất hiện những bất cập. Như tại Thái Lan, năm 2019 đã sửa đổi luật giao dịch điện tử, thiết lập các nền tảng pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế số. Vì thế, chúng ta cần phải sửa đổi luật giao dịch điện tử.
Đối với lĩnh vực chứng thực chữ ký số, thị trường Việt Nam hiện nay dù nhỏ nhưng lại có khá nhiều giấy phép trong lĩnh vực này, ngay cả những nước như Hàn Quốc cũng chỉ có khoảng sáu giấy phép chứng thực chữ ký số. Trong thời gian tới, chúng ta sẽ hạn chế lại để tăng cường chất lượng dịch vụ chữ ký số.
Để mở rộng thị trường chứng thực chữ ký số, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tăng cường các phương thức khác nhau nhằm đẩy mạnh sử dụng chữ ký số. Thứ trưởng cho rằng, nhiệm vụ của Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia là phải thúc đẩy thị trường này phát triển, đồng thời bảo đảm an toàn tin cậy trong giao dịch điện tử.
Đại diện Cục CNTT, Tổng cục Thuế cho biết, hiện nay một số doanh nghiệp vẫn chưa quan tâm đến việc bảo quản chữ ký số, nên rất mong Trung tâm và cơ quan quản lý có sự tuyên truyền để người nộp thuế quan tâm đến việc bảo quản, bảo mật chữ ký số. Ngoài ra, cần tăng cường cơ chế giám sát đơn vị cung cấp chữ ký số để nâng cao chất lượng của dịch vụ chữ ký số.
Theo Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia Lã Hoàng Trung, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các chính sách để bảo đảm an toàn cho giao dịch điện tử, góp phần đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, kinh tế số tại Việt Nam. Ngoài ra, công tác xây dựng và phát triển khuôn khổ hệ sinh thái về định danh và xác thực số toàn diện áp dụng cho các cá nhân, tổ chức và các đối tượng tham gia giao dịch điện tử cũng sẽ được triển khai. Trung tâm cũng sẽ nghiên cứu, đề xuất triển khai, ứng dụng các công nghệ mới phục vụ việc định danh và xác thực điện tử.
Đồng thời, Trung tâm sẽ tiến hành đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường dịch vụ ứng dụng chữ ký số công cộng, tạo điều kiện cho mọi tổ chức, người dân có thể sử dụng chữ ký số và các phương thức xác thực điện tử, góp phần nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến và phát triển kinh tế số.